Kinh nghiệm kinh doanh làm giàu từ giày BESPOKE của chàng trai Việt
Khởi đầu là sinh viên thực tập, Thanh dần được tín nhiệm và làm toàn thời gian với mức thu nhập gần 5.000 USD một tháng. Công việc này vẫn không thỏa niềm đam mê làm chủ của Thanh nên anh đã xin nghỉ việc và dành một tháng để đi du lịch khắp Canada.
Dùng máy scan y tế để hỗ trợ việc đóng giày, Lê Thanh đã rút ngắn hai phần ba thời gian sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
Là kỹ sư chuyên ngành hóa học trường Đại học Bách Khoa TP HCM nhưng lại đam mê kinh doanh nên sau khi tốt nghiệp Lê Thanh chọn làm nhân viên kinh doanh cho một công ty xi măng của Thụy Sĩ.
Sau 2 năm làm việc, chàng trai sinh năm 1984 quê Thanh Hóa nhận thấy cần đổi mới bản thân nên quyết định nghỉ việc, nhận học bổng MBA chuyên ngành kinh doanh quốc tế Canada và thực tập ở một công ty bán lẻ hàng đầu tại đây.
Chiếc giày khắc hình rồng có giá 25 triệu đồng của cửa hàng Thanh đã được một đại gia Sài Gòn mua.
Khởi đầu là sinh viên thực tập, Thanh dần được tín nhiệm và làm toàn thời gian với mức thu nhập gần 5.000 USD một tháng. Công việc này vẫn không thỏa niềm đam mê làm chủ của Thanh nên anh đã xin nghỉ việc và dành một tháng để đi du lịch khắp Canada. Chính trong thời gian này, Thanh nảy ra ý tưởng xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo của Việt Nam. Bằng khả năng thuyết phục của mình, anh có lợi thế trước các doanh nghiệp Trung Quốc và mỗi năm vẫn xuất đều đặn 10 container hàng sang Canada.
Các hợp đồng vẫn thuận lợi, nhưng chi phí để đưa hàng sang Canada ngày càng đắt đỏ, giá cả sản phẩm trong nước tăng cao, nên sau khi trừ chi phí, lợi nhuận Thanh kiếm được không cao.
Trong lúc kinh doanh không mấy nổi trội, Thanh tình cờ gặp lại một người bạn Canada gốc Việt đóng giày chuyên nghiệp tại Calgary (Canada). Người này than phiền về khó khăn của nghề và muốn từ bỏ. “Ấy vậy mà khi nghe xong tôi lại muốn bắt tay cùng người bạn thay đổi diện mạo của thế giới giày bespoke nên đã cùng anh ấy bén duyên với nghề này và mở cửa hàng tại Canada”, Thanh chia sẻ.
Cứ ngỡ mọi việc sẽ suôn sẻ vì làm việc với người bạn hiểu nghề, nhưng để làm ra một đôi giày bespoke tốt phải tốn khá nhiều thời gian và chi phí, bởi đây là loại giày “độc nhất vô nhị”, phải đúng chủ nhân của chiếc giày thì mới đi vừa chân nhờ được đóng dựa trên thông số đo được từ chân của người đặt hàng.
Lần đầu tiên từ “bespoke” được nhắc tới là tại Savile Row (London)- con phố may mặc cao cấp nổi tiếng nhất châu Âu. Ban đầu, nó có nghĩa đơn giản “mỗi súc vải một khách hàng”. Sau này, bespoke được hiểu rộng hơn trong lĩnh vực thời trang, dần đổi nghĩa thành “hàng thửa đơn chiếc”.
Thông thường, đóng giày bespoke theo cách truyền thống là phải bó bột chân khách hàng để biết được độ rộng của bàn chân, độ cong của lòng và mu bàn chân nhằm tạo ra phom giày. Cách làm này mất 3 -6 tháng mới xong được một đôi, trong khi đó, cửa hàng chưa có thương hiệu nên Thanh chỉ bán với giá 1.000 – 2.000 USD, rất khó có lời.
Tình cờ Thanh gặp một thạc sĩ y khoa chuyên về phân tích chân trong bệnh viện. Người phụ nữ này thường xuyên dùng máy scan để chép lại hình ảnh của bàn chân phục vụ phân tích. Chính từ sự quan sát ấy, Thanh nảy ra ý tưởng dùng chiếc máy scan này để đo chân khách hàng nhằm tạo ra phom giày đạt độ chính xác nhất cho khách.
“Năm 2013, tôi và bạn của mình bắt đầu góp vốn, dùng 50.000 USD mua máy. Để có được mẫu khung hoàn hảo chúng tôi phải mua rất nhiều phần mềm kết nối với máy khiến chi phí đầu tư tăng vọt lên trên 100.000 USD và mất một năm mới đúng theo ý mình. Đến bây giờ, tổng vốn đầu tư đã lên tới 400.000 USD”, Thanh chia sẻ.
Toàn bộ số vốn đầu tư trên, một nửa là tiền mà cả 2 người tích cóp suốt nhiều năm qua, nửa còn lại vay mượn ở ngân hàng Canada. Nhiều lúc, vì chi quá lớn mà thu về không bao nhiêu khiến người bạn đồng hành nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ sự quyết liệt từ Thanh mà cả hai cùng nhau đi tiếp.
Chia sẻ về quy trình áp dụng công nghệ 3D vào đóng giày, chàng trai 8x này tâm sự, với máy scan việc làm ra một đôi giày chỉ mất 3 tuần đến một tháng, giúp chi phí giảm đáng kể. Khách hàng chỉ cần đặt chân lên máy scan, công nghệ này sẽ cho ra thông số chính xác của bàn chân thông qua phần mềm chuyển đổi và kiểu dáng giày mà khách mong muốn. Sau đó, các nghệ nhân sẽ dựa vào đó làm khuôn mẫu và đẽo gọt cho đến khi phù hợp. Độ bền của đôi giày trên 5 năm.
“Nếu sản phẩm bespoke được một số hãng trên thế giới bán ra với giá 3.000 – 10.000 USD, thì nhờ công nghệ này sản phẩm do cửa hàng của tôi làm chỉ còn trên 1.000 USD một đôi”, Thanh nói và cho biết, dù sản phẩm tại Canada được khá nhiều khách đặt hàng, tuy nhiên, vì lượng vốn bỏ ra lớn nên cả hai vẫn chưa thể hòa vốn
Mới đây, để mở rộng thị trường và mong muốn sản phẩm được chính những người dân quê hương sử dụng, đầu năm 2015, Thanh về nước khảo sát thị trường và mở cửa hàng thứ 2 tại Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM) với vốn đầu tư 200.000 USD. Đội ngũ nhân viên có 6 người, gồm một thợ đóng giày, một thợ điêu khắc và 4 nhân viên bán hàng.
Thay vì làm đế bằng cao su như các hãng giày trong nước thì toàn bộ sản phẩm tại cửa hàng Thanh làm bằng da, bởi, theo chàng trai này độ bền của đế sẽ cao hơn và đi êm chân. Bên cạnh đó, để tạo ra dòng sản phẩm lạ Thanh đã cho ra ý tưởng khắc hoa văn lên đôi giày. Tùy yêu cầu của khách hàng mà có những sản phẩm phù hợp. Cách đây một tuần, mẫu giày có khắc hình rồng chỉ vừa ra mắt, đã có một đại gia ở TP HCM mua với giá 25 triệu đồng.
Thanh cho hay, trong tương lai sẽ không chỉ là một cửa hàng mà sẽ là nhiều cửa hàng được mở ra ở Việt Nam. Ngoài ra, thay vì bán những sản phẩm có giá cao, trong tháng này anh sẽ cho ra dòng sản phẩm giày đóng sẵn mới mức giá dao động khoảng 2 triệu đồng.
Leave a Reply